Quế Thường Xuân Quế Thanh

Quế Thường Xuân, quế bạch, quế ngọc, quế ngọc châu Thường, quế châu Thường là các tên gọi của giống quế Thanh khai thác ở thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.[4]

Sản phẩm vỏ quế Thường Xuân dài trên 50 cm, thường được phơi khô tự nhiên để cuộn tròn thành ống. Độ dày tiêu chuẩn: vỏ thân: 3,06 mm – 5,14 mm; lớp tinh dầu vỏ thân: 0,96 mm – 1,97 mm; vỏ cành: 1,28 mm – 3,62 mm; lớp tinh dầu vỏ cành: 0,41mm – 1,11 mm.Bề mặt ngoài vỏ quế ít xù xì, màu nâu đến nâu xám, nhiều vết loang (bạch hoa). Bề mặt phía trong màu nâu hơi đỏ đến nâu sẫm, nhẵn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ màu nâu đỏ, có ít sợi. Quế Thường Xuân có mùi thơm nồng rất đặc trưng. Khi cạo một lớp mỏng ở đầu thanh quế, nhìn thấy các lớp dầu, nếm có vị cay hơi chát, khi pha với nước có màu trắng đục. Tinh dầu của quế Thường Xuân có độ cay đặc trưng riêng, khi nếm thử cảm nhận vị cay mạnh nhưng không quá nồng, hậu vị ngọt the.

Các chỉ tiêu chất lượng của tinh dầu vỏ quế thân bao gồm[4]:

  • Hàm lượng tinh dầu: 4,12 % đến 6,08 % v/w;
  • Chỉ số khúc xạ: 1,5926 đến 1,5978 nD;
  • Độ ẩm: 14,2 % đến 16,0 %;
  • Tỷ trọng: 1,0192 đến 1,0219;
  • Hàm lượng Aldehyt cinnamic: 80,92 % đến 91,22 % v/w.

Chỉ tiêu chất lượng của tinh dầu vỏ quế cành bao gồm[4]:

  • Hàm lượng tinh dầu: 3,28 % đến 4,85 % v/w;
  • Chỉ số khúc xạ: 1,5328 đến 1,5978;
  • Độ ẩm: 13,2 % đến 15,2%;
  • Tỷ trọng: 1,0104 đến 1,0182;
  • Hàm lượng Aldehyt cinnamic: 72,12 % đến 83,11 % v/w.

Tháng 10 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00051 cho sản phẩm "quế Thường Xuân" đối với khu vực địa lý gồm các xã Vạn Xuân, xã Xuân Lẹ, xã Xuân Chính, xã Xuân Thắng, xã Xuân Lộc, xã Xuân Cẩm, xã Yên Nhân, xã Bát Mọt, xã Lương Sơn, xã Ngọc Phụng, xã Xuân Cao, xã Luận Khê, xã Xuân Thành, xã Luận Thành, xã Thọ Thanh, xã Xuân Dương, thị trấn Thường Xuân thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.[4]